Zettelkasten: Phương Pháp Ghi Chép Dành Cho Người Học Tập Suốt Đời
Muốn biết bí quyết sáng tạo không mệt mỏi của các vĩ nhân trong thiên hạ? Hãy tìm hiểu Zettelkasten để nuôi dưỡng suối nguồn của riêng bạn.
Ghi chép là một quá trình rối rắm và riêng tư.
Hướng dẫn cách ghi chép lại càng khó hơn. Các hướng dẫn về ghi chép đa phần khu trú trong hoạt động ghi chép riêng lẻ, chẳng hạn như lập dàn ý (outlining, Cornell note, hay vẽ sơ đồ khái niệm - concept mapping,...) và hầu như tập trung vào khu vực học thuật. Hiếm có hướng dẫn cách thiết lập một hệ thống ghi chép từ đầu đến cuối dành cho nhu cầu hằng ngày của cá nhân.
Tôi là một người ham ghi chép từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi cặm cụi viết lại cái này cái kia mà mình đọc, nghe hoặc nhìn thấy ở đâu đó. Nhà tôi thì đầy những cuốn số vàng úa thấm đẫm các ghi chép đầy tò mò và ưu tư của tuổi học sinh. Khi tôi lên đại học và đi làm, tôi bắt đầu ghi chép trên máy tính nhiều hơn. Tôi là khách hàng trung thành của Evernote kể từ năm 2013.
Dẫu vậy, tôi chưa thực sự ngồi xuống suy xét về cách xây dựng một hệ thống ghi chép hiệu quả cho đến khoảng cách đây 2 năm. Lúc đó, tôi tìm kiếm một thứ mà tôi chưa biết hình hài của nó. Một nguyên lý ghi chép hiệu quả. Đại loại thế. Mặc dù chưa hình dung ra nó và phải tìm nó ở đâu, tôi biết rằng, một hệ thống ghi chép phải trả lời các câu hỏi nung nấu trong lòng tôi:
Tôi cần ghi chép cái gì?
Khi nào thì biết là cần ghi lại, khi nào không?
Làm sao để sắp xếp ghi chép một cách hợp lý, hiệu quả?
Xem lại và xử lý các ghi chép như thế nào? Theo trật tự hay nguyên tắc gì?
Làm sao để biến ghi chép thành sản phẩm hữu hình có ích cho cuộc sống của tôi?
Một ngày đẹp trời, tôi đã tìm ra, không chỉ một mà đến hai hệ thống ghi chép trả lời các câu hỏi kể trên của tôi.
Đó là phương pháp ghi chép Building A Second Brain của Tiago Forte và Zettelkasten (ZKM, hay The Slip Box) của Niklas Luhmann.
Tiago Forte là chuyên gia về ghi chép, là tác giả của phương pháp Building A Second Brain - một hệ sinh thái quản trị kiến thức cá nhân dành cho những người làm việc với kiến thức, muốn ghi chép và sử dụng ghi chép của họ một cách hiệu quả. Anh có lớp học cùng tên đã mở được tới nay là 18 khoá, với hàng ngàn học viên trên khắp thế giới. Anh cũng xuất bản cuốn sách cùng tên năm 2022 và vừa xuất bản cuốn PARA Method trong tháng 8 năm 2023. Tôi đã giới thiệu khái lược về phương pháp này trong bài viết trước.
Niklas Luhmann là một tiến sĩ, nhà nghiên cứu xã hội học người Đức. Ông được mệnh danh là cha đẻ của phương pháp ghi chép Zettelkasten (The Slip Box). Luhmann và chiếc hộp của ông sẽ là chủ đề chính mà tôi muốn đem lại cho bạn trong bài viết hôm nay.
Vì chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng thực cho hiệu quả của mỗi phương pháp trên, tôi chủ yếu sẽ phân tích dựa vào những kiến thức cơ bản trong tâm lý học và khoa học thần kinh và đối chiếu với sự thực hành của riêng tôi.
Phương Pháp Zettelkasten là gì?
Phương pháp Zettelkasten là hệ thống nguyên tắc và phương pháp ghi chép tập trung vào việc tạo ra các mối liên kết có ý nghĩa giữa các ghi chép.
Zettelkasten nhấn mạnh tính phi tuyến tính của việc ghi chép.
Trong khi nghiên cứu, nhiều lúc chúng ta đọc một điều gì đó không hẳn có ích cho bài viết hoặc dự án mà chúng ta đang làm. Khi đó, chúng ta tạo một ghi chép (gọi là Zettel) cho ý tưởng đó và cất nó vào hộp ghi chép (gọi là Zettelkasten hay Slip Box). Nhờ đó mà khối kiến thức của chúng ta tăng lên và không bị giới hạn bởi các dự án hữu hình mà chúng ta đang làm. Tiềm năng của Slip Box sẽ tăng dần theo thời gian. Khi càng có nhiều kiến thức được liên kết dày đặc trong Slip Box, xác suất bạn có thể phát triển một dự án, một bài nghiên cứu dựa vào các ghi chép này tăng lên. Đó là một quá trình hữu cơ và không được lên kế hoạch trước. Nó thúc đẩy tính sáng tạo - một phẩm chất quan trọng của việc nghiên cứu.
![](https://substackcdn.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fsubstack-post-media.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2F32a7d504-4b02-4844-933d-615d93233627_1053x513.png)
Tuy nhiên, nếu bạn sơ sẩy, Zettelkasten có thể mời đến cầu toàn và trì hoãn. Vì bạn không nhất thiết tạo ra sản phẩm gì với các ghi chép trong Zettelkasten, nên bạn có thể mắc kẹt trong đó. Đó là lý do vì sao mà trong bài viết đầu tiên về phương pháp quản trị kiến thức cá nhân, tôi lại nói về phương pháp PARA mà không phải là Zettelkasten. PARA là cách sắp xếp và lưu trữ tài liệu và ghi chép thuộc đủ mọi thể loại với tâm thế sẵn sàng lao vào dự án mới. Cách lưu trữ của PARA nhấn mạnh tính thực tế và sự luân chuyển ghi chép tuỳ theo mức độ khả dụng của nó theo thời gian. PARA giống như một nhà máy, luôn trong trạng thái hoạt động và điều phối nguồn lực để sản xuất đúng thời hạn.
Với PARA, bạn là một người hành động. Với Zettelkasten, bạn tập trung nhiều hơn vào việc hiểu và xử lý sâu với kiến thức.
Zettelkasten phiên bản gốc có thể sẽ rất tỉ mỉ, một phần do tính chất của các ghi chép viết tay. Luhmann đánh số và sắp xếp ghi chép theo cách giúp ông tìm lại được chúng. Nhưng nếu không tính đến các phương pháp và kỹ thuật cụ thể, Zettlekasten tuân theo một số nguyên lý chung.
![](https://substackcdn.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_auto,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fsubstack-post-media.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2F91f33589-c36e-4d23-ba42-7115974dfd66_630x420.jpeg)
Tám nguyên tắc cốt lõi của phương pháp Zettelkasten:
Viết ghi chép bằng ngôn từ của mình
Mỗi ghi chép chỉ thể hiện một ý tưởng
Ghi chép có thể được sử dụng cho nhiều dự án
Mỗi ghi chép phải được liên kết với ít nhất một ghi chép khác một cách có ý nghĩa
Luôn có ghi chép nguồn (literature note) và phân biệt với ghi chép ý tưởng (main note)
Ghi chép phải được lưu trữ sao cho có thể dễ dàng tìm lại được dựa vào truy dấu liên kết
Dùng ghi chép tra cứu (index note) dưới dạng tag hoặc liên kết (link) để dẫn đến các ghi chép có cùng một chủ đề
Luôn xem lại ghi chép nháp (fleeting note, inbox) sớm nhất có thể, trễ nhất là trong vòng 1 tuần
Dưới đây là một ví dụ cách tôi ứng dụng Zettelkasten khi đọc sách Thói Quen Làm Nên Sáng Tạo của Twyla Tharp:
Ghi chép nguồn (literature note): Ở đây, tôi tóm tắt sách từ 100 đến 500 chữ (số chữ và mức độ chi tiết tuỳ vào độ dài và độ khó của sách). Tôi cũng có thể đánh số trang đến các ý chính hoặc các phần mà tôi cho là hữu ích, có thể tra cứu về sau (v.d. Xem bài tập ghế đẩu ở trang 100). Tôi đặt tên ghi chép nguồn theo cú pháp sau: `{Năm xuất bản}-{Tên tác giả}-{Tên sách}`. Ví dụ: [[2003 - Twyla Tharp - Thói Quen Làm Nên Sáng Tạo]].
Ghi chép chính (main note) (v.d. [[Bài tập làm trứng]]). Ở đây, tôi mô tả sơ lược hướng dẫn cách làm bài tập tạo các tư thế và hình dáng khác nhau của trứng để đánh thức óc sáng tạo. Ở cuối ghi chép, tôi sẽ ghi số trang sách và dẫn trở lại ghi chép nguồn.
Bên dưới phần mô tả của ghi chép [[Bài tập làm trứng]], tôi có thể giải thích cách tôi sẽ áp dụng bài tập này trong một buổi workshop sắp tới. Tôi cũng có thể liên kết bài tập này với các bài tập kích thích óc sáng tạo khác bằng cách thêm tag #on/creativity và dẫn link tới một bài tập mà tôi từng sử dụng là [[Guilford's Test of Divergent Thinking]]. Khi tôi đặt hai bài tập sáng tạo này cạnh nhau, các câu hỏi sẽ tự nhiên nảy sinh: Hai bài tập này khác nhau ra sao? Bản chất của chúng là gì? Liệu sáng tạo ngôn từ và sáng tạo cơ thể, cái nào phù hợp hơn trong một workshop, hay một buổi group coaching? Chủ đề workshop nào thì thích hợp? Việc suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp tôi hiểu sâu hơn về bản chất của sáng tạo và cách mà nó xảy ra.
Ghi nháp (fleeting note) khi đọc sách của tôi trong trường hợp này là các highlights trên trang sách. Tôi highlight sách khi đọc như một cách đánh dấu trang để dễ tìm lại sau này. Highlight cũng là cách ghi chép ít tốn công sức nhất và hoạt động như một bộ lọc, giúp tôi vừa giữ lại được ý tưởng từ sách vừa không phải đầu tư quá nhiều vào một cuốn sách ngay từ cuộc hẹn đầu tiên. Tôi đã chia sẻ về quy trình xử lý các highlight khi đọc trong bài viết về Thiết Kế Thói Quen Đọc Của Bạn Với Readwise.
Nguồn gốc của Zettelkasten
Zettelkasten là một phương pháp quản trị kiến thức cá nhân được phát triển bởi Niklas Luhmann, một nhà xã hội học lỗi lạc người Đức. Phương pháp của ông được đón nhận bởi giới nghiên cứu phi học thuật - tức những người nghiên cứu và học tập nhưng làm việc trong lĩnh vực ngoài trường đại học. Họ là những người tự kinh doanh, coach, lập trình viên, tác giả viết sách phi hư cấu, nhà nghiên cứu, chuyên gia,..
Luhmann vốn dĩ là một công chức nhà nước, có bằng luật. Nhưng công việc đó không đủ thoả mãn niềm đam mê nghiên cứu của ông. Ông luôn tự đọc và ghi chép mọi thứ mà ông tìm hiểu. Đến một ngày, ông đem bài nghiên cứu mà ông viết được từ các ghi chép buổi tối sau giờ làm này gửi cho trường đại học. Người ta mời ông đến giảng. Rồi ông được đề nghị học tiến sĩ để thoả điều kiện về bằng cấp cho công việc giảng dạy ở đó. Thế là ông làm nghiên cứu tiến sĩ. Ông nói sẽ mất 30 năm để công trình của ông hoàn thành. Và đúng thật là như thế.
Trong suốt sự nghiệp, Luhmann đã viết hơn 70 cuốn sách và hàng trăm bài báo khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là chưa kể các bản thảo vẫn chưa kịp xuất bản trước khi ông qua đời. Các tác phẩm của ông tập trung vào lý thuyết hệ thống, vốn không nổi tiếng ở Bắc Mỹ nhưng được đón nhận nồng nhiệt ở Đức, Nhật, Nga, và một số nước Bắc Âu.
Năm 2017, Sonke Ahren xuất bản cuốn How to take smart notes mô tả phương pháp ghi chép của Luhmann, khiến cho nó được phổ biến rộng rãi hơn.
Zettelkasten giúp tăng hiệu suất sáng tạo của bạn như thế nào?
Zettelkasten không phải là một phương pháp học đơn thuần.
Nó là một triết lý ghi chép dành cho người học tập và nghiên cứu suốt đời. Nó giúp bạn xử lý kiến thức như kiến thức thực sự là. Nó công nhận rằng đọc, học, và suy nghĩ là các quá trình không tuyến tính. Zettelkasten là đại diện tiêu biểu của một công cụ tư duy - tool for thought - dành cho người làm việc với tri thức trong thế giới mạng với nhiều cơ hội cũng như thách thức trước kia chưa từng có.
1- Thúc đẩy vòng lặp học tập
Thay vì phải đợi nhiều tháng, nhiều năm trời tích luỹ kiến thức rồi bạn mới đưa ra giải pháp, thì bạn có thể phát triển giải pháp theo những chu kỳ ngắn hơn.
Vòng lặp học tập từ đầu vào (Zettel) đến đầu ra (project outcome) diễn ra nhanh giúp bạn có những thành công nhỏ và đều, giúp bơm máu cho hệ thần kinh hiệu suất của bạn, cho bạn sức bền để đi con đường dài trên lĩnh vực mà bạn yêu thích.
Không chỉ thế, các phụ phẩm của quá trình làm việc sẽ được trả về chiếc hộp Zettelkasten. Sự hiện diện của chiếc hộp sẽ nuôi dưỡng động lực bên trong cho những nỗ lực sáng tạo của bạn. Khi không bị phụ thuộc vào điều kiện (động lực) bên ngoài mỗi khi hoàn thành một dự án, thì bạn sẽ tự chủ hơn trong quá trình sáng tạo. Mỗi khi bạn cảm thấy các dự án đang khiến bạn kiệt sức hoặc cảm thấy mình giống như một cỗ máy, bạn sẽ quay về nhìn vào chiếc hộp và nghĩ "Um, mình sẽ làm tốt hơn trong lần sau. Mình còn rất nhiều điều phải học, và cả những điều mình đã tích luỹ được. Mình không nhất thiết phải bắt đầu lại từ trang giấy trắng."
Với chiếc hộp, bạn không hy sinh chất lượng cho hiệu suất. Và ngược lại.
Bạn luôn tìm điểm cân bằng cho cả hai yếu tố trên. Mặc lòng, cái điểm cân bằng đó nằm trong truyền thuyết nhiều hơn là xảy ra trong thực tế. Tuy nhiên, khi bạn chấp nhận rằng bạn luôn phải đi trên dây, hoá ra bạn lại có được cả sự tự do và tập trung cần thiết để xây dựng hệ thống và thói quen ghi chép cần mẫn và hiệu quả hơn.
2-Vòng lặp phản hồi ngay lập tức
Một yếu tố của trải nghiệm dòng chảy (tập trung hoàn toàn vào hiện tại) là nhận được phản hồi tức thì cho nỗ lực của bạn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có được phản hồi ngay lập tức. Bạn thường phải đợi đến khi bàn giao tài liệu, thuyết trình, nộp báo cáo,… thì mới biết được phản hồi của người khác về tạo phẩm của bạn. Và bản thân việc nghe hoặc đưa ra phản hồi cho nhau cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng riêng khác nữa (Feedback là một vấn đề thú vị mà tôi sẽ nói trong một bài khác). Trong khi đó, với chiếc hộp ghi chép, bạn luôn có một đối tác tư duy - sẵn sàng lắng nghe, phản biện, và dự phần vào tiến trình đối thoại giữa các ý tưởng của bạn.
Dĩ nhiên, bạn cũng cần huấn luyện cho chiếc hộp đó và cho chính bạn, để quá trình đối thoại diễn ra có hiệu quả như mong đợi. Zettelkasten mang đến một môi trường cho bạn làm được điều đó thường xuyên và có chủ đích.
3-Rèn óc sáng suốt
Quá trình tích luỹ kiến thức chuyên môn và sự thành thạo trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đi qua nhiều thăng trầm với nhiều cung bậc cảm xúc. Có lúc bạn thấy mình tự hào, hãnh diện với thành quả. Có lúc rơi vào tự phụ. Có lúc nghi ngờ bản thân, có lúc thăng hoa tột cùng. Làm sao để tiếp tục lao động, tiếp tục duy trì lòng hăng say sáng tạo và học hỏi qua những đoạn gập ghềnh đó?
Hãy nhìn vào ngôi nhà tri thức của bạn, chiếc hộp của bạn. Nó cho bạn biết “DNA sáng tạo” của bạn nằm ở đâu. Nó cho biết bạn dễ lọt hố nhất là khi nào (lúc mệt mỏi cuối ngày, lúc stress, bất hoà với đồng nghiệp,…) và lúc nào bạn dễ đắm chìm vào dòng chảy nhất? Kiến thức nào của bạn dày, cái nào mỏng? Kỹ năng nào cần bồi đắp? Mọi thứ đều phản ảnh trong chiếc hộp của bạn.
Bạn tách mình khỏi chiếc hộp. Giá trị của bạn, cái tôi của bạn không được định nghĩa bởi chiếc hộp. Nhờ đó, bạn không bị thiên kiến, không tự dối mình. Bạn biết rõ bạn đang làm gì và còn thiếu sót ở đâu một cách không vùng vằng kháng cự.
Khi nào nên dùng Zettelkasten?
Hãy xem ba ví dụ sau.
Một sinh viên sắp đến hạn nộp khoá luận. Bạn còn rất ít thời gian và cần sự tập trung sắc nhọn vào một thứ duy nhất - hoàn thành bài luận. Thời gian ngắn, phạm vi dự án rõ ràng. Bạn cũng chưa chắc chắn mình có tiếp tục theo đuổi chủ đề của khoá luận sau khi tốt nghiệp và đi làm hay không. Khi đó, hãy chọn cách quản trị tập trung vào dự án (PARA) thay vì quản trị kiến thức (ZKM).
Một giảng viên đại học có dự án viết blog cá nhân. Khi ấy, người này có thể dùng Zettelkasten để viết các phụ phẩm của quá trình dạy học và nghiên cứu một cách thong thả. Họ cũng có thể kết hợp với các sở thích cá nhân vào mối quan tâm chuyên môn để viết các bài blog mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn. Ngược lại, blog và Zettelkasten giúp họ nuôi dưỡng đam mê với chuyên môn, bảo vệ họ khỏi cảm giác mất lửa do bị bào mòn bởi những áp lực về chỉ tiêu dạy học và nghiên cứu.
Một quản lý nhà hàng muốn làm một podcast chia sẻ chuyên môn và trải nghiệm của chị sau hơn 10 năm trong ngành. Chị có thể dùng Zettelkasten để viết nội dung một cách từ từ và thưởng thức quá trình. Sau đó, khi thời cơ cho phép, chị kết hợp với PARA để thúc đẩy dự án, bơm máu cho các hoạt động sáng tạo nội dung podcast dựa vào các ghi chép trong chiếc hộp Zettelkasten.
Lời kết
Trong bài trước, tôi đã chia sẻ với bạn phương pháp PARA trong quản trị kiến thức cá nhân. Bài này tập trung vào phương pháp Zettelkasten. Tôi chọn hai phương pháp ghi chép này bởi vì cả hai đều chú trọng vào xây dựng một hệ thống ghi chép toàn diện, từ đầu vào cho đến đầu ra, phục vụ cho các nhu cầu cá nhân đa dạng. Mỗi phương pháp đều có nguyên lý, cách thức, và các gợi ý công cụ phù hợp cho người sử dụng. Sự kết hợp của Zettelkasten và PARA mang lại một giải pháp tối ưu vì nó kết hợp triết lý quản trị dự án và hiệu suất cá nhân với thế giới quản trị kiến thức cá nhân và tận dụng được điểm mạnh của cả hai.
Trong bài tiếp theo, tôi sẽ viết về phương pháp ghi chép thứ ba mà tôi sử dụng để kết nối hai phương pháp trên lại với nhau: Journalling. Mời bạn đón đọc!
Chú thích ảnh bìa của bài viết: Đây là ảnh chụp bức vẽ Vịnh Marseille nhìn từ Estaque của danh hoạ nước Pháp - Paul Cézanne.