Ghi Chép: Kỹ Năng Của Người Học Tập Suốt Đời
Trong những năm đi dạy, tôi không ngừng nhấn mạnh với các sinh viên của mình về kỹ năng ghi chép trong học đại học. Sinh viên nào đã từng học với tôi vài lớp sẽ có thể phát chán vì tôi sẽ luôn nói về ghi chép và gửi cho họ một danh sách dài các bài viết bằng tiếng Anh về cách ghi chép. Bây giờ cuối cùng tôi cũng có dịp ngồi xuống để viết về những điều mình luôn muốn nói với các bạn sinh viên ấy.
Cũng phải nói thêm rằng, ghi chép không phải chỉ dành cho học sinh, sinh viên, giáo viên hoặc những người lãng mạn hay ưa thích hoài niệm. Ghi chép là một kỹ năng thiết yếu cho tất cả mọi người thuộc mọi ngành nghề, nhất là trong thời đại số hoá. Ngày nay, chúng ta sống trong sự dư thừa thông tin và kiến thức sẵn có trên mạng Internet. Cái chúng ta cần là kỹ năng tìm kiếm, chọn, lọc, và xử lý thông tin để phục vụ hiệu quả cho công việc và cuộc sống. Bằng không, chúng ta có thể vô tình trở thành nạn nhân của tin giả, tin sai, và tình trạng quá tải thông tin. Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích ghi chép là gì và vì sao hầu hết mọi người đều có thể nhận được nhiều ích lợi từ thói quen ghi chép.
Ba loại người cần ghi chép
Mặc dù hầu hết mọi người, bất kể ngành nghề và lĩnh vực hoạt động, đều có thể có lợi từ việc ghi chép, một số người sẽ cảm nhận lợi ích ấy rõ rệt hơn cả. Trước hết, đó là những người học tập suốt đời – họ yêu thích việc học hỏi những điều mới lạ trong sách vở và trong cuộc sống. Những người này không nhất thiết là những học sinh hay sinh viên gương mẫu trong trường học. Họ yêu thích việc học bằng cách tự tìm tòi, trải nghiệm, và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Họ còn là những người muốn phát triển năng lực phán đoán và tư duy độc lập.
Nhóm thứ hai là những người muốn học để trở nên thành thạo kỹ năng cũng sẽ có lợi nhiều từ việc ghi chép. Một người học để giỏi kỹ năng khác với một người chỉ học vì thành tích hoặc bằng cấp ở chỗ, người đầu tiên xem thất bại là lúc để học được nhiều nhất. Người học vì thành tích hoặc bằng cấp sợ mắc lỗi còn người học vì kỹ năng sẽ ghi chép lại lỗi lầm và học từ nó. Để học từ thất bại một cách hiệu quả, việc ghi chép lại các sai lầm đã mắc để rút kinh nghiệm qua thời gian là vô cùng quan trọng.
Nhóm thứ ba được lợi từ việc ghi chép là những người muốn có cuộc sống cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong nền kinh tế tri thức, việc tách rời giữa thời gian cho công việc và thời gian cá nhân không đơn giản giống như trong nền kinh tế dựa vào sức lao động. Người công nhân thời công nghiệp có thể trút bỏ những suy nghĩ về công việc ngay khi họ bước ra khỏi xưởng. Tuy nhiên, người công nhân tri thức thường xuyên phải làm việc trong các điều kiện mà ranh giới không rõ ràng giữa công việc và cá nhân. Khi nào một nhiệm vụ bắt đầu và khi nào nó kết thúc? Làm sao để định nghĩa một mục tiêu mong muốn và biết rằng chúng ta đã đạt mục tiêu? Chúng ta nên làm việc gì trước và việc gì sau trong mỗi một ngày làm việc? Cách phân chia thời gian nào sẽ tối ưu nhất? Trong các bối cảnh như vậy, kỹ năng ghi chép các hoạt động trong công việc có thể tạo ra một bộ đệm và môi trường tư duy, giúp cho cá nhân tự tạo ra những ranh giới cần thiết để giúp họ quản lý tốt công việc của mình và cũng tập trung toàn tâm vào các vai trò khác trong cuộc sống riêng.
Ghi chép là xử lý thông tin
Hai thành phần cốt lõi của hoạt động ghi chép là xử lý thông tin và lưu trữ thông tin. Khi chúng ta ghi xuống những nội dung nào đó, về bản chất chính là ta đang giúp cho mình suy nghĩ mạch lạc. Để giải quyết vấn đề, ta cần một thứ hết sức quan trọng, đó là trí nhớ. Bộ não muốn làm việc với thông tin, trước hết nó cần bày biện các thông tin liên quan ra trước mắt – gọi là trí nhớ làm việc – working memory. Bạn có thể hình dung trí nhớ làm việc của con người giống như bộ nhớ RAM của máy vi tính. RAM của máy càng lớn thì tốc độ xử lý càng cao và năng lực xử lý các thuật toán phức tạp cùng một lúc càng cao. Nhưng khả năng lưu trữ thông tin đồng thời trong bộ nhớ làm việc của con người chỉ có giới hạn ở bốn đơn vị thông tin. Tuy nhiên, điều tuyệt vời là dung lượng của bộ nhớ làm việc có thể tăng lên nếu chúng ta biết cách giải phóng bớt những thông tin không liên quan. Những người có khả năng giải quyết vấn đề tốt là người biết cách giải phóng cho bộ nhớ làm việc của mình. Một cách vô cùng đơn giản nhưng hữu ích để trợ giúp cho bộ nhớ làm việc của bạn là viết xuống các thông tin cần thiết. Khi đó, mỗi khi cần làm việc với thông tin, bạn không cần phải dựa vào bộ nhớ nữa mà chỉ cần mở ghi chép của mình ra và làm việc với nó. Điều này giải phóng bộ nhớ làm việc, giúp nó có thêm chỗ để lưu trữ các thông tin mới, giúp bạn cùng một lúc có nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề. Như vậy, ghi chép về bản chất chính là một bước không thể thiếu trong quá trình xử lý thông tin.
Ghi chép là lưu trữ thông tin
Ghi chép còn là lưu trữ thông tin cho tương lai. Khi bạn làm việc với nhiều thông tin, bạn sẽ liên tục cần đến chúng. Việc ghi chép giúp bạn tăng dần cơ sở dữ liệu kiến thức của mình lên. Vậy tại sao không chỉ dựa vào Google? Việc trông cậy hoàn toàn vào Google trước hết sẽ làm thui chột khả năng tư duy và ghi nhớ của bạn, gọi là hiệu ứng Google. Hơn nữa, Google không giúp bạn lọc thông tin một cách đáng tin cậy bởi nó chịu ảnh hưởng bởi nhiều thuật toán được cài đặt vào thời điểm bạn thực hiện tìm kiếm. Kết quả tìm kiếm quá nhiều cũng có thể gây quá tải thông tin. Trong khi đó, ghi chép là thông tin mang màu sắc cá nhân của bạn, đã qua sàng lọc bởi chính bạn trong quá khứ, và được lưu trữ theo cách có ý nghĩa với bạn. Vì vậy, với cùng một đơn vị kiến thức, ghi chép cá nhân về kiến thức đó sẽ dễ truy cập và dễ sử dụng khi cần hơn so với một bài viết bất kỳ trên mạng.
Ghi chép giúp nâng cao khả năng tập trung
Trong thời đại kinh tế tri thức, chúng ta có thừa thông tin nhưng thiếu nguồn lực tập trung. Các nhà quảng cáo, hãng bán lẻ, người nổi tiếng – ai ai cũng tìm mọi cách tranh giành nguồn lực ấy từ người mua hàng mục tiêu của họ. Trong đại dương mênh mông ấy, ta cần có khả năng tự định vị mình để không rơi vào những vùng nước xoáy của các thông tin không cần thiết hoặc kém chất lượng. Khả năng tập trung của con người không phải là vô hạn. Vậy nếu ta dành hết nguồn lực chú ý ít ỏi của mình cho những thông tin không có ích hoặc không liên hệ trực tiếp tới nhu cầu của ta, thì đó là sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn.
Vậy ghi chép sẽ có ích như thế nào trong bối cảnh đó? Ghi chép giúp bạn nâng cao khả năng tự nhận thức bản thân. Tự nhận thức là khả năng của một người trong việc hiểu những nhu cầu, ước muốn, mục tiêu, động lực, và mô típ hành xử của bản thân. Một người hiểu mình có thể có khả năng làm chủ cuộc sống của họ, tìm cách thay đổi bản thân hoặc thay đổi môi trường theo hướng phù hợp với họ. Khi chúng ta ghi chép, chúng ta tăng khả năng quan sát nội tâm của mình, từ đó tăng kỹ năng tự nhận thức. Không chỉ quan sát nội tâm, chúng ta còn quan sát môi trường xung quanh. Khi chúng ta biết kết hợp các thông tin cả bên trong nội tâm và thế giới bên ngoài, chúng ta tăng khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt. Đây chính là sự tập trung mà tôi muốn nói đến – tập trung vào những điều quan trọng đối với bạn.
Ghi chép chính là quản trị kiến thức cá nhân
Ghi chép giúp chúng ta trở thành người có năng lực tự học suốt đời. Khả năng tự học – hay quản trị kiến thức cá nhân – là một kỹ năng quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Đặc biệt là trong bối cảnh của thị trường việc làm hậu Covid-19 khi mà hiện tượng bỏ việc diễn ra phổ biến trên khắp thế giới đến mức giới nghiên cứu hình thành nên một cụm từ để chỉ hiện tượng nghỉ việc hàng loạt của nhân viên kể từ tháng ba năm 2021 – The Great Resignation. Có nhiều lý do cho việc này, nhưng hệ quả của nó là rất rõ ràng: chảy máu chất xám đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Khi nghỉ việc, nhiều người có thể chuyển sang các lĩnh vực khác hoặc chuyển sang làm tư – tất cả đều đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức mới và đa dạng. Trong bối cảnh đó, khả năng quản trị kiến thức cá nhân – Personal Knowledge Management (PKM) – trở nên vô cùng thiết thực với mỗi người. PKM được định nghĩa là một quá trình mà một cá nhân thu thập, phân loại, lưu trữ, truy cập, và chia sẻ kiến thức hằng ngày để hỗ trợ cho công việc và cuộc sống của người đó. Ghi chép là một hoạt động không thể thiếu trong toàn bộ quá trình quản trị kiến thức cá nhân.
Ghi chép giúp nâng cao khả năng giải quyết vấn đề bằng việc quên có chọn lọc
Bạn ghi chép khi bạn muốn học một điều mới chứ không phải vì bạn cố gắng ép nó vào bộ nhớ của mình. Vì bộ nhớ làm việc – tức khả năng giữ thông tin trong cùng một thời điểm để làm việc với nó – là có giới hạn, nên bạn không muốn làm đầy nó với quá nhiều thông tin không liên quan đến vấn đề hiện tại. Ví dụ, trong lúc bạn đang tìm thông tin cho bài thuyết trình sắp tới về văn hoá doanh nghiệp, bạn vô tình đọc được một bài viết hay về cách phỏng vấn khách hàng tiềm năng. Hoặc bạn đang giải toán nhưng vô tình nghe được một câu thơ hay. Bạn sẽ làm gì? Một là bạn sẽ đọc ngấu nghiến các thông tin kia và cố nhớ chúng. Sau đó bạn quay trở lại công việc đang làm và nhận ra là đã hơn một tiếng đồng hồ trôi qua. Hoặc bạn sẽ cố gắng tập trung vào công việc và hy vọng mình sẽ quên thông tin kia đi. Nhưng chúng có dễ bị quên đi? Não bộ của chúng ta không thích sự lưng chừng. Nó sẽ bị máng lại ở chỗ nào nó chưa cảm thấy được một kết thúc rõ ràng. Hiện tượng tâm trí nhớ kỹ những điều còn dang dở hơn là những thứ đã hoàn tất có tên gọi là hiệu ứng Zeigarnik hay có thể tạm dịch là hiệu ứng ‘tình dang dở’, lấy cảm hứng từ câu ‘tình chỉ đẹp khi còn dang dở’ trong tiếng Việt.
Hiệu ứng Zeigarnik được đặt tên theo nhà tâm lý học Soviet Bluma Zeigarnik. Một lần, khi đi ăn tối, bà để quên áo khoác và khi quay lại thì người phục vụ đã không còn nhận ra bà mặc dù bà chỉ mới rời đi ít phút. Điều kì lạ là trước đó anh có khả năng nhớ rõ mọi thực khách và các món họ yêu cầu một cách vô cùng chính xác mà không cần ghi chú lại. Người phục vụ giải thích rằng anh chỉ nhớ mặt khách khi họ ở trong nhà hàng nhưng ngay khi khách vừa rời nhà hàng thì anh quên những khách cũ này ngay lập tức để tập trung vào nhóm khách tiếp theo.
Hiệu ứng Zeigarnik mang đến cho chúng ta một thông điệp: Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề hiệu quả, ta cần biết cách ‘đóng sổ’ những thứ không còn liên quan để dành chỗ cho những thông tin mới. Ghi chép là một cách hữu hình để giúp não bộ yên tâm rằng mọi thứ đã được xử lý ổn thỏa. Khi đó, nó không còn bứt rứt nữa mà có thể hoàn toàn chú tâm vào nhiệm vụ hiện tại.
Suy cho cùng, cuộc sống của chúng ta là liên tục giải quyết các vấn đề phát sinh mỗi ngày. Ghi chép sẽ cho bạn một tâm trí sáng suốt để bạn giải quyết các vấn đề này hiệu quả hơn.
Ghi chép giúp bạn trở thành người học chuyên nghiệp
Chúng ta có xu hướng tự nhiên là đánh giá cao những gì mình biết hơn là những gì mình không biết. Mặc dù ai cũng có cùng xu hướng này ở các mức độ khác nhau, những người càng biết ít về một chủ đề lại càng có hiệu ứng này cao hơn cả, đây gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger. Để trung hoà loại ảo giác này, Nassim Taleb đã gợi ý rằng chúng ta hãy luôn nghĩ tới những gì mình không biết để tự nhắc mình tránh cảm giác thiên kiến. Ông đưa ra khái niệm phản thư viện – anti-library. Phản thư viện có nghĩa là thay vì chỉ tập trung vào những gì mình đã đọc (và cảm thấy hãnh diện về nó) thì bạn có thể duy trì đồng thời một danh sách gồm những cuốn sách và báo cáo nghiên cứu hay tài liệu mà bạn chưa đọc – gọi là anti-library. Sự hiện diện đồng thời của phản thư viện – anti-library và thư viện cá nhân – library là một cách hiệu quả để nhắc bạn khiêm tốn hơn với những gì mình biết. Bởi vì nếu bạn giống như tôi hay tất cả những người thích đọc khác, danh mục sách chưa đọc sẽ luôn lớn hơn rất nhiều so với danh mục sách đã đọc.
Vậy ghi chép có ích ở chỗ nào? Đó là khi ghi chép, bạn bắt đầu có sự nhận biết và nhạy bén trong việc phát hiện ra thông tin nào đã nằm trong thư viện kiến thức của mình (nghĩa là cái gì mình đã biết, và mức độ biết tới đâu, sâu hay nông) và thông tin nào nằm trong phản thư viện (tức là sách đã mua nhưng chưa đọc, hoặc sách nằm trong danh mục muốn-đọc).
Người học tập suốt đời là người khi ra khỏi trường học mà vẫn ghi chép và liên tục phát triển khả năng ghi chép của mình. Người đó biết rõ: cái gì mình hiểu, cái gì mình biết, cái gì mình chỉ mới nghe qua, cái gì mình hoàn toàn không biết, và khi cần thì tìm học ở đâu và từ ai.
Kết luận
Nền kinh tế tri thức đòi hỏi chúng ta liên lục nâng cao kỹ năng và kiến thức để thích nghi với những thay đổi từng ngày của thế giới. Nếu không biết cách làm chủ kiến thức của bản thân, ta có thể rơi vào vòng xoáy sự quá tải thông tin và cảm giác bất an thường trực. Thói quen ghi chép không phải là liều thuốc tiên để giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, ghi chép có thể là một nhân tố thay đổi toàn bộ cuộc chơi nếu bạn là một người học tập suốt đời hay một người muốn làm hết mình – chơi hết sức.
Bởi ghi chép cũng là một hoạt động tốn thời gian và nguồn lực não bộ, bạn sẽ không thể ghi quá nhiều mà bắt buộc phải chọn lựa. Từ đó mà những điều ít quan trọng hơn sẽ được lọc ra bớt qua quá trình ghi chép. Như vậy, ghi chép không chỉ là xử lý, lưu trữ thông tin, mà còn là học cách ưu tiên và ra quyết định.
Lần tới, khi cảm nhận trái tim mình đập nhanh hơn khi có một cuộc nói chuyện thú vị hay trong bụng vô tình mỉm cười khi đọc một vài trang sách hay, bạn hãy thử dành vài phút để ghi lại cảm nghĩ của bạn. Khi bạn dành thêm ít phút để ghi chép lại cuộc sống của mình theo cách này, thì cũng có nghĩa là bạn đang chọn lọc và tập trung vào những điều thật sự có ý nghĩa.