Thiết Kế Thói Quen Đọc Của Bạn Với Readwise
Theo tôi, có hai vấn đề trong việc đọc: Đọc quá ít và đọc quá nhiều.
Đọc là một trong các hoạt động mang lại niềm vui tự thân và trải nghiệm dòng chảy. Khi đọc một cuốn sách yêu thích, bạn tập trung hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại. Mọi lo âu của đời sống dường như tan biến. Vậy tại sao chúng ta không đọc nhiều hơn? Một trong các câu trả lời phổ biến là: Bận!
Đó là vấn đề thứ nhất. Vậy còn vấn đề thứ hai?
Đọc nhiều nhưng chẳng nhớ bao nhiêu.
Bạn đọc xong một cuốn sách đầy những ý tưởng uyên thâm huyền diệu. Một tuần sau, bạn định bụng kể cho đứa bạn thân nghe về cuốn sách có tiềm năng thay đổi cuộc đời bạn ấy. Đột nhiên bạn nhận ra mình đang ngập ngừng ú ớ vì hình như là bạn đã quên sạch trơn. Được mỗi một cái ý tâm đắc mà cũng chỉ nhớ được mang máng.
Bạn có thấy câu chuyện ở trên quen không?
Vấn đề thứ hai có thể sớm dẫn bạn quay trở về vấn đề thứ nhất. Vì khi bạn đọc mà không thu được lợi ích gì (vì bạn đã quên sạch rồi!), thì bạn sẽ không có còn động lực để tiếp tục đọc nữa.
Tôi đã dành nhiều tháng trời để quan sát thói quen đọc của mình, và tìm cách trả lời câu hỏi:
Làm sao để thiết kế thói quen đọc bền vững, dựa vào tâm lý học và khoa học thần kinh?
Trong mấy năm vừa qua, tôi học hỏi rất nhiều điều hay từ giới khởi nghiệp sáng tạo. Họ tạo ra những sản phẩm tuyệt vời ứng dụng các công nghệ từ nghiên cứu cơ bản mà tôi đọc hằng ngày ở trong trường và giảng dạy cho sinh viên. Một trong số các ứng dụng mà tôi ấn tượng nhất đó là Readwise. Readwise là một ứng dụng đọc sách thành lập vào năm 2017 với sứ mạng giúp cho người đọc tận dụng tối đa những gì họ đọc.
“Readwise: Get the most out of what you read.”
Theo Dan Doyon, người sáng lập của Readwise, để làm được điều này, anh tập trung giải quyết vấn đề ghi nhớ (reading retention) và không tập trung vào các khía cạnh khác của quá trình đọc, chẳng hạn như đọc hiểu (reading comprehension).
Vậy, Readwise giúp người đọc ghi nhớ và tận dụng những gì mình đọc như thế nào?
Ghi nhớ là một quá trình gồm có ba giai đoạn: mã hoá (coding), lưu trữ (storage), và truy hồi (retrieval). Theo đó, muốn biết bộ nhớ của chúng ta có đang được rèn luyện tốt hay không thì cần trả lời ba câu hỏi:
Mức độ mã hoá sâu hay nông?
Lưu trữ có hợp lý không?
Truy cập lại có dễ không?
Dưới đây tôi sẽ phân tích bốn cách mà Readwise có thể giúp người đọc ghi nhớ và sử dụng những gì mình đọc một cách hiệu quả.
1. Giải phóng bộ nhớ khỏi nỗi lo âu về cất trữ thông tin
Tính năng “Import Highlights" và “Export Highlights” cho phép bạn lưu mọi thứ bạn đọc và nghe vào một cái kho lưu trữ trực tuyến của riêng bạn ở trên Readwise và ở phần mềm ghi chép cá nhân của bạn.
Hầu hết các định dạng thông tin phổ biến đều có thể được nhập (imported) vào Readwise. Ví dụ như bài báo khoa học dạng PDF, sách trên Kindle, sách epub, bài báo trên mạng, youtube video hay podcast. Sau đó, bạn có thể xuất (export) các highlights này vào một phần mềm ghi chép để tiếp tục xử lý và làm việc với chúng theo cách mà bạn muốn.
Một lý do chúng ta không duy trì được thói quen đọc là vì chúng ta không có cảm giác thu được lợi ích gì sau khi đọc. Bạn cũng không ghi chép khi đọc, bởi bạn thấy mình hiếm khi có thời gian xem lại chúng. Với sách giấy đã đành, thiết bị điện tử lại càng không. Sách giấy thì bạn xếp xó, còn điện thoại và máy tính hoăc máy tính bảng thì luôn có quá nhiều thứ gây xao lãng khác. Một sự xao lãng lớn là công việc. Nhìn thấy máy tính thì bạn chẳng còn hơi sức đâu mà ngồi xuống thong thả, uống miếng nước, ăn miếng bánh và đọc một cuốn sách đầy những chữ. Đầu bạn lúc này chỉ toàn deadline luận văn hoặc dự án sếp giao.
Việc có mọi thứ trong một cái kho giúp bạn giải phóng tâm trí khỏi nỗi lo “cất ở đâu đây?” và tập trung hoàn toàn vào việc đọc. Bạn biết mình luôn có thể tìm lại mọi thứ trong kho chỉ bằng một thao tác “Search” đơn giản.
2. Giảm phạt, tăng tưởng
Readwise giúp tăng tỉ suất sinh lời (ROI) của việc đọc.
Trung bình để đọc một cuốn sách tiếng Anh loại phi hư cấu có độ dài khoảng 300 trang, tôi mất khoảng 6-7 tiếng đồng hồ. Vậy hẳn nhiên là tôi muốn thu về một lợi ích gì, ngoài việc đọc mang lại cảm giác giải trí rất “trí tuệ", cảm giác mình như có thêm bao nhiêu sự thông thái của tác giả. Nhưng nếu bạn đọc nhiều mà không biết cách tiêu hoá chúng, bạn có thể bị bội thực, và sinh ra những tật xấu.
Nếu coi thời gian là một món đầu tư có chủ đích, thì bỏ ra 6-10 tiếng để đọc sách mà không thể sử dụng được kiến thức đó quả là một cuộc đầu tư có tỉ suất hoàn vốn vô cùng thấp. Giả sử bạn quên béng luôn những gì mình đọc sau một hai tuần, thì hầu như bạn đã cầm chắc phần lỗ.
Với tính năng ôn tập hằng ngày (daily review) và chuỗi (streak), tôi thường có cảm giác thích thú khi bắt gặp một ý tưởng hay vào đúng lúc mình cần. Cảm giác này chính là phần thưởng cần cho não bộ tôi để nó có tiếp tục “thèm" muốn tiếp tục đọc và highlight. Càng đọc, highlight, và ôn tập đều đặn, tôi càng nhận được các phần thưởng này nhiều hơn. Và tôi trở thành “con nghiện” đọc từ lúc nào không biết.
Khi bạn đọc nhiều và highlight nhiều, cái kho của bạn lớn dần lên. Bạn bắt đầu hình thành khả năng chọn lọc những highlight nào bạn muốn xử lý sâu hơn và highlight nào kém chất lượng. Từ đó, bạn mã hoá nhiều thông tin chất lượng một cách sâu sắc hơn. Bạn bắt đầu nếm nhiều trái ngọt từ việc đọc.
3. Tăng tốc tiến trình mã hoá
Muốn nhớ tốt, thì bạn phải mã hoá ở cấp độ sâu (deep processing).
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng xử lý sâu mọi thứ mình đọc được vì nguồn lực tâm trí là có hạn. Highlight là giải pháp hữu hiệu cho việc mã hoá vừa đủ dùng.
Highlight quá mức có thể bị cho là “nông cạn". Nhưng nếu sử dụng hợp lý, highlight là một trợ thủ đắc lực cho người ham đọc. Ví dụ, tôi dùng highlight để đánh dấu ý tưởng với ít công sức nhất. Khi mới đọc một cuốn sách, tôi muốn đọc nhanh để nắm được các ý tổng quan nên tôi sẽ không muốn dừng lại quá lâu để ghi chép. Mặt khác, tôi cũng muốn đánh dấu những chỗ tôi thấy hay để tiện xem lại mà không cần phải giở sách ra. Highlight đúng cách sẽ giúp bạn vừa học được từ sách trong thời gian ngắn, vừa tiết kiệm nguồn lực não bộ.
So với các kỹ thuật học khác, highlight rất dễ. Nhưng dễ không có nghĩa là xử lý nông. Nó chỉ có nghĩa là nó chấp nhận giả định rằng con người có nguồn lực nhận thức và động lực giới hạn. Bằng việc lưu trữ highlights và sử dụng phương pháp ôn tập cách quãng, nó cho phép người dùng quay trở lại vào một thời điểm trong tương lai để ôn lại điều đã đọc. Và lúc này, người đọc sẽ quyết định mẩu highlight đó có còn xứng đáng để đầu tư nguồn lực và xử lý sâu hay không.
Như vậy, highlights hoạt động như một bộ lọc tự nhiên cho các cấp độ đọc khác nhau: đọc lướt, đọc phân tích, và đọc tổng hợp.
4. Thúc đẩy quá trình mã hoá sâu
Não bộ không giống như chiếc máy vi tính.
Nó không giỏi nhớ. Nhưng nó giỏi nhận diện mô típ và xử lý sâu các thông tin mà nó cho là ý nghĩa và quan trọng. Một trong các tiêu chí để giúp não bộ nhận diện điều gì quan trọng là tần suất lặp lại và sự quen thuộc.
Đồng thời, não bộ của chúng ta cũng có tính ham của lạ. Nếu bạn liên tục nạp cho nó những kiến thức mà nó đã “quen mặt" trong nhiều giờ, nhiều ngày, nó sẽ nhanh chóng cảm thấy chán. Thêm nữa, nếu các kiến thức đó không chỉ quen mặt mà còn “thấy ghét" (vì nó khô khan, khó hiểu, hoặc vì…bạn đang không có mood chẳng hạn!), thì bạn sẽ có nhiều lý do để từ bỏ việc đọc.
Xử lý sâu là một quá trình tư duy rất riêng tư và có tính cá nhân. Nó không thể xảy ra khi người đọc đang cảm thấy bị ép buộc, không có động lực, hoặc mất hứng thú. Khi đọc một thông tin về X, nếu bạn chỉ nhớ vẹt về X đủ để lặp lại trong bài thi, thì đó là xử lý nông. Ngược lại, bạn đặt câu hỏi: “Làm sao X có thể ứng dụng trong trường hợp A với khách hàng B mà tôi đang gặp phải?” Đây chính là xử lý sâu. Nó đòi hỏi một trạng thái tâm trí cởi mở. Đây chính là trạng thái cần thiết cho tư duy sáng tạo (divergent thinking).
Có một điều mà không phải người dùng nào cũng nhận ra: Readwise không phải là một phần mềm lưu trữ highlight thông thường. Readwise là một phần mềm đọc sách ứng dụng phương pháp ôn tập giãn cách. Ôn tập chủ động và giãn cách là hai trong số các phương pháp học hiệu quả được khoa học ủng hộ mạnh mẽ nhất. Hai phương pháp này thể hiện qua tính năng ôn tập hằng ngày (Daily Review), ôn tập theo chủ đề (Themed Review), và ôn tập chuyên sâu (Mastery Review, hình dưới), giúp người đọc ôn tập hiệu quả những gì họ đã đọc.
Tính năng ôn tập dựa vào hệ thống ôn tập cách quãng của Readwise giúp người đọc giải quyết vấn đề mã hoá sâu. Việc ôn tập theo từng highlight cách quãng hợp lý giúp não bộ cảm thấy vừa đủ quen thuộc để cảm thấy quan trọng và đủ mới lạ để cảm thấy thích thú. Điểm cân bằng này chính là mấu chốt quan trọng giúp bạn có được trạng thái tập trung cần thiết cho mã hoá sâu và nhớ lại khi cần.
Lời kết
Cách đây hơn hai mươi năm, vấn đề của chúng ta là thiếu thông tin. Nhưng vấn đề bây giờ là thừa thông tin. Vì vậy, chúng ta cần khả năng sàng lọc, lưu trữ, và sử dụng thông tin hợp lý. Nói cách khác, ta cần nâng cao năng lực tiêu hoá, thay vì để cho chúng ta bị béo phì và rối loạn chuyển hoá thông tin. Nếu như rối loạn chuyển hoá insulin là căn bệnh tiểu đường tuýp 2 do lối sống thiếu cân bằng, thì rối loạn chuyển hoá thông tin sẽ là bệnh tiểu đường về thông tin trong thời đại số do thói quen tiêu thụ thông tin thiếu cân bằng.
Một quy trình đọc được thiết kế khoa học sẽ giúp bạn hình thành thói quen đọc bền vững. Hơn nữa, quy trình đọc tốt sẽ rèn luyện cho bạn khả năng chuyển hoá những gì bạn đọc thành kiến thức thực sự có thể sử dụng. Readwise mang đến một công cụ đắc lực giúp bạn thiết kế quy trình đọc của riêng bạn dựa vào khoa học và có mức độ thân thiện với người sử dụng cao hơn so với các phần mềm học tập ngắt quãng khác như Anki hay Supermemo.