Bạn Có Đang Đầu Cơ Thông Tin?
Khi chúng ta đem bày kiến thức của người khác khắp lối đi nhà mình.
Bạn ngồi tại bàn, sẵn sàng viết về một ý tưởng mà bạn ấp ủ.
Nhưng rồi một suy nghĩ giục giã trong đầu: không biết những người khác đã nói gì về chủ đề này nhỉ. Rồi bạn thấy mình mở hơn 20 cái tabs những kết quả tìm kiếm từ Google. Trong đó có vài bài đúng chủ đề, còn đa số thì chỉ liên quan rất ít đến bài bạn đang viết. Nhưng bạn nghĩ mình phải lưu chúng lại ở đâu đó, nếu không thì cứ thấy bứt rứt không yên, vì biết đâu mai này lại cần đến.
Và trước khi kịp nhận ra, bạn lại tiếp tục tìm ra nhiều thông tin dường như rất hữu ích khác. Bạn loay hoay tải chúng về máy và tìm chỗ cất. Vài giờ trôi qua, và bài luận của bạn vẫn chỉ là một ý tưởng trong đầu, còn ổ đĩa máy tính (hoặc bộ lưu trữ đám mây) của bạn thì đầy lên thêm vài megabyte dữ liệu.

Đầu cơ thông tin là gì?
Đầu cơ thông tin (information hoarding) là việc tích góp và không thể bỏ đi nhiều thông tin dù chúng không mang lại lợi ích thực tế hoặc có giá trị thấp với người đầu cơ. Nếu ở mức độ trầm trọng, đầu cơ thông tin có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ tinh thần của bạn.
Đầu cơ thường liên quan đến việc có gắn bó cảm xúc cao với thông tin. Bạn cảm thấy yên tâm hơn khi có trong tay nhiều thông tin để phòng khi cần đến. Bạn lưu trữ rất nhiều sách trong nhà vì sách cho bạn cảm giác dễ chịu. Công nghệ lưu trữ đám mây ra đời càng làm trầm trọng thêm vấn đề này bởi vì mỗi người hoặc công ty đều có kho lưu trữ dường như vô tận.
Trên thực tế, để ý một chút, bạn sẽ bắt đầu nhận ra đầu cơ thông tin ở khắp nơi:
Emails: Hộp thư đến với số lượng thư lên đến vài ngàn email chưa đọc
Ý tưởng: Hàng trăm ý tưởng nảy ra trong đầu mỗi ngày và trôi đi trước khi chúng được ghi lại
Khoá học: Bạn tham gia nhiều khoá học và workshop nhưng không ghi chép lại và áp dụng các ý tưởng đó để biến chúng thành của bạn
Đồ dùng công nghệ: Bạn mua nhiều thiết bị công nghệ hoặc ứng dụng điện thoại mà bạn không dùng đến
Công ty: Nhân viên gặp khó khăn hoặc không chia sẻ thông tin với đồng nghiệp hoặc sếp
Biểu hiện của đầu cơ thông tin
Còn nhớ hồi COVID-19 bùng nổ trên toàn thế giới vào đầu năm 2020, mọi người đổ xô đi mua khẩu trang y tế, giấy vệ sinh, nước rửa tay,... đẩy giá của các mặt hàng này lên đỉnh điểm. Đây chính là một ví dụ của tâm lý và hành vi đầu cơ tích trữ trong bối cảnh mọi thứ không chắc chắn cùng với thông tin tiêu cực về số người chết và mức độ lây lan hằng ngày của bệnh đầy trên mặt báo.
Tìm kiếm và lưu giữ thông tin cần thiết để phục vụ cho công việc là một điều hết sức bình thường. Chẳng hạn, chúng ta có xu hướng sưu tầm nhiều hơn khi lo lắng hoặc đang chuẩn bị cho một dự án mới. Khi vùng võ não trước trán (PFC) không có đủ thông tin để dự đoán tương lai và lên kế hoạch giải quyết vấn đề, lo âu sẽ xuất hiện. Lo âu sẽ kích hoạt những phản ứng có tính phản xạ điều kiện hoá, ví dụ như đầu cơ.
Nhưng khi đầu cơ thông tin trở thành một thói quen lặp đi lặp lại trong cách mà bạn làm việc hoặc vận hành kinh doanh, nó có thể trở nên rất có hại.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết bạn cần chú ý đến các biểu hiện của nó. Dưới đây là một số dấu hiệu của đầu cơ thông tin mà bạn nên chú ý:
Lưu trữ nhiều thông tin trong ổ đĩa máy tính, ứng dụng quản lý tài liệu tham khảo,... với mục đích là "phòng khi" có lúc cần trong tương lai.
Không thể bỏ hoặc gặp khó khăn trong việc loại bỏ những thông tin không có ích hoặc có giá trị rất thấp (bởi vì bạn e sợ là biết đâu chúng nó sẽ trở nên có ích trong tương lai, hay bạn cũng không chắc vì sao nó quan trọng hoặc không quan trọng với bạn).
Không gian làm việc bị chồng chất và hỗn loạn bởi nhiều thông tin đến mức bạn không thể làm những việc mà không gian này được thiết kế để giúp bạn làm (v.d. thay vì viết bài luận trên laptop thì bạn chủ yếu xem video về hiệu suất cá nhân hoặc về chữa lành...)
Căng thẳng hoặc giảm hiệu suất làm việc đáng kể bởi vì bạn mất thời gian lưu trữ thông tin nhưng không tìm lại và không sử dụng được. Trong khi đó, các thông tin này không chỉ làm đầy không gian ổ đĩa, mà còn choáng hết tâm trí bạn khiến nó không thể thoải mái sản sinh ý tưởng mới (vốn là một chức năng quan trọng của bộ não)
Mỗi người đều có thể có một hoặc hai biểu hiện trên ở mức độ hoặc tần suất thấp. Nhưng nếu bạn thường xuyên có tất cả bốn dấu hiệu như bên trên, thì có thể bạn đang đầu cơ thông tin.
Làm sao để giải quyết vấn đề đầu cơ thông tin?
Đầu cơ thông tin không chỉ là một thói quen tốn kém, nó còn có thể gây hại cho sức khoẻ tinh thần và hiệu suất làm việc của bạn. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn kiểm soát xu hướng đầu cơ thông tin của mình:
#1. Tự hỏi tại sao
Trước khi lưu trữ một thông tin, bạn hãy tự hỏi: Tại sao mình cần thông tin này? Nó sẽ giúp ích cho mình trong dự án nào (trong ngắn hạn) hoặc cho mối quan tâm nào của mình (trong dài hạn)?
#2. Sắp xếp thông tin
Hãy sử dụng một phương pháp sắp xếp thông tin phù hợp với nhu cầu và phong cách làm việc của bạn. Tôi thường sử dụng hai phương pháp chủ yếu là PARA (xếp theo mức độ ưu tiên sử dụng) và Zettelkasten (xếp theo mạng lưới các đơn vị kiến thức nhỏ có liên quan với nhau). Bạn có thể thử nghiệm với những cách sắp xếp khác nhau và tìm ra công thức hiệu quả nhất với bạn.
#3. Ghi chép bằng ngôn từ của bạn
Đối với mỗi tài liệu mà bạn quyết định lưu trữ, hãy tập thói quen lưu tài liệu đó kèm theo một mẩu ghi chú ngắn 1-3 câu về bối cảnh hoặc lý do tài liệu đó hữu ích cho bạn. Ghi chép đơn giản này sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ ra vì sao mình lưu một tài liệu.
Nếu khi đọc lại, bạn quyết định rằng tài liệu này ít quan trọng hơn bạn nghĩ ban đầu, lúc đó bạn cũng tự tin loại bỏ chúng đi. Ngược lại, nếu nó quan trọng hơn bạn nghĩ, thì bạn tiếp tục giữ nó, đọc kỹ hơn, và nghĩ cách biến nó thành kiến thức của bạn.
Ví dụ cách sử dụng thông tin thay vì đầu cơ:
Thêm tài liệu vào danh mục tham khảo cho dự án bạn đang làm
Lên lịch đọc tài liệu đó trong tuần sau vào giờ đọc buổi tối
Thử nghiệm một ý tưởng của tác giả vào cuộc sống của bạn
Khi làm điều này nhiều lần, bạn sẽ thấy mình có khả năng sàng lọc thông tin tốt hơn, tự tin chọn lưu cái gì và loại bỏ cái gì, từ đó giảm đầu cơ thông tin.
#4. Kiểm kho thường xuyên
Bạn có bao giờ đi mua một món đồ chỉ để phát hiện ra rằng trong nhà mình đã có thứ đó rồi không?
Kho dụng cụ dù là xịn sò chất ngất cỡ nào thì cũng trở nên vô ích khi bạn không nhớ đến sự tồn tại của chúng hoặc không thể tìm ra chúng khi bạn cần. Vì vậy, hãy tập thói quen xem lại và rà soát, dọn dẹp kho thông tin của bạn định kỳ. Khi xem lại, hãy đặt hai câu hỏi: “Vì sao cái này quan trọng?” và “Tôi có thể dùng cái này cho việc gì mà tôi đang làm hoặc quan tâm cam kết lâu dài?”
#5. Biến đầu cơ thành đầu tư với khái niệm “anti-library”
Bạn có bao giờ nghe qua khái niệm phản thư viện chưa?
Nassim Taleb dùng từ anti-library (phản thư viện) để chỉ những thư viện sách và tài liệu mà bạn gom góp về nhưng chớ hề đọc tới. Nó khác với danh sách cần-đọc (to-read) ở chỗ là nó cho bạn quyền được duy trì tình trạng - chưa-bao-giờ-đọc, thay vì cảm giác luôn bị thụt lùi khi nghĩ đến một sớ dài những thứ cần-đọc.
Một thách thức lớn của người làm việc nhiều với thông tin là phải tìm ra điểm cân bằng giữa biết vừa đủ (“stay informed”) và biết quá nhiều đến mức tê liệt (“analysis paralysis”) và không thể hành động.
Vậy thì anti-library có ích gì trong trường hợp này?
Anti-library có ích vì nó nói thẳng vào mặt bạn: Hãy làm đi, đồ ngốc!
Nó giúp bạn nhận rằng bạn chưa bao giờ hết ngốc. Cứ nhìn vào tỉ lệ số tài liệu chưa đọc trong anti-library so với số tài liệu thực tế đã trong một tuần qua là đủ biết bạn đọc được ít cỡ nào!
Nhưng bạn cũng phát hiện ra rằng: dù ngốc, vậy mà bạn đã làm được bao nhiêu thứ rồi đó thôi! Bạn được truyền động lực từ chính sự ngu ngốc của bản thân. Vậy là bạn yên tâm tiếp tục làm đầy danh mục “chưa-bao-giờ-đọc” trong khi vẫn không quên rằng mình đã có đủ để hành động. Mà càng hành động nhiều, bạn lại càng có thêm nhiều thông tin để dịch chuyển từ đầu cơ thông tin sang đầu tư vào kiến thức một cách hiệu quả.
Lời Kết
Tóm lại, ý tưởng chính ở đây là đừng giới hạn óc hiếu kỳ và khám phá kiến thức của bạn. Chỉ có điều là hãy để ý đến khi nào thì sự ham học hỏi ấy trở thành đầu cơ tích trữ quá mức và làm tổn hại đến hiệu quả làm việc và sáng tạo, và sức khoẻ tinh thần của bạn. Bạn luôn có thể biến đầu cơ thông tin thành đầu tư vào kiến thức một cách hiệu quả bằng cách tập thói quen hỏi tại sao mình cần thông tin này, sắp xếp thông tin theo cách có ý nghĩa với bạn, ghi chép ngắn gọn, và kiểm kho thường xuyên.
🫶 Cảm ơn vì bạn đã ở đây. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng ngại chia sẻ nó tới bạn bè hoặc người quen nha. 🙂
💡 Bạn nghĩ gì về bản tin tuần này? Chủ đề của bài viết có khiến bạn suy nghĩ hoặc nhận ra điều gì ở bản thân không? Điều đó có khiến bạn ngạc nhiên chứ? Bạn có thể trả lời bằng cách comment ngay bên dưới. Nếu ngại, bạn có thể reply trực tiếp cho Tiên qua email này. 💌
Cảm ơn Tiên, mình đã rất thích thú khi đọc về việc đã “đầu cơ thông tin, kiến thức” một cách “say sưa” rồi bỏ xó như thế nào. Hữu ích lắm, chờ đọc những nội dung khác nữa của bạn.
Bài viết có góc nhìn rất sát với thực tế, cám ơn c đã chia sẻ.