Workshop: Sức Mạnh Của Ghi Chép
thay đổi mối quan hệ của bạn với thông tin mãi mãi - từ quá tải thành thấu hiểu
Chào bạn,
Đây là bản tin tuần của Đông Labs, nơi Tiên chia sẻ với bạn những kiến thức về khoa học hành vi, khoa học thần kinh, và tâm lý học ứng dụng để giúp bạn thiết kế một cuộc đời hạnh phúc, ý nghĩa, và sáng tạo. Trong bản tin hôm nay, mình sẽ kể với bạn về một sự kiện đặc biệt sắp tới mà mình ấp ủ từ đầu năm đến giờ, và câu chuyện đằng sau đó.
Có khi nào bạn từng thấy mình trong những tình huống sau:
Bạn hứng thú khi nghe hoặc đọc nhiều kiến thức hay, nhưng gặp khó khăn khi thực hành theo.
Bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi thông tin, dù biết nó có thể hữu ích.
Trong đầu bạn luôn có nhiều suy nghĩ, nhưng bạn lại lo lắng về việc diễn đạt chúng một cách rõ ràng và tự tin.
Bạn có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn muốn chia sẻ, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Bạn luôn bận rộn chạy theo mục tiêu của người khác đến mức không còn năng lượng cho ước mơ của chính mình.
Ước mơ của bạn là một cái gì rất mơ hồ, và bạn không đủ thời gian và không gian tinh thần để biến nó thành dự án cụ thể.
Nếu bạn trả lời có cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, thì thật mừng vì bạn đã ở đây.
Thấm thoát, một thập kỉ đã trôi qua kể từ ngày mình dấn thân vào tâm lý học. Khởi đầu của hành trình mười năm này là nghiên cứu và giảng dạy đại học và kết thúc bằng việc giúp mọi người thiết kế thói quen sức khỏe (2021), quản trị kiến thức cá nhân và thiết kế cuộc sống (2023).
Trong quá trình nghiên cứu và làm việc với mọi người ở nhiều độ tuổi, mình phát hiện ra rằng vấn đề thực sự của chúng ta không phải là làm sao chạy nhanh hơn (để đuổi kịp công nghệ hay AI), làm sao giỏi hơn (để không bị bỏ lại phía sau), cũng không phải là làm sao có bằng cấp cao hơn (để được công nhận tại nơi làm việc), mà đó là làm sao thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thông tin, bởi vì:
Chúng ta đang đối mặt với QUÁ NHIỀU THÔNG TIN tại mỗi thời điểm bất kỳ.
Từ điển của APA - Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ định nghĩa quá tải thông tin (information overload) là “trạng thái xảy ra khi lượng hoặc cường độ thông tin vượt quá khả năng xử lý của một cá nhân, dẫn đến lo âu, ra quyết định kém và các hệ quả không mong muốn khác.” Các hệ quả này không loại trừ stress mãn tính, trầm cảm, trì hoãn, mất động lực, kiệt sức, các hành vi có tính nghiện, và giảm năng lực thấu cảm và tự chăm sóc bản thân.
Với 8X và 9X đời đầu, còn gọi là thế hệ millennials hay Gen Y, lợi thế của họ là khả năng vượt khó, có động lực vươn lên cải thiện kinh tế, bằng cách theo đuổi học vấn, và nỗ lực đạt được những thành tựu trong công việc. Rào cản của thế hệ này là hạn chế tiếng Anh, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động dần bão hòa, thiếu kiến thức và kĩ năng sống như kiến thức về sức khỏe tinh thần, hướng nghiệp, và làm sao để phát triển một sự nghiệp bền vững, có ý nghĩa, thay vì chỉ để mưu sinh.
Gen Y quá tải thông tin bởi vì chúng ta chưa kịp dịch chuyển từ tư duy khan hiếm (scarcity mindset) sang tư duy dư thừa (abundance mindset).
Chúng ta chưa chuẩn bị để ứng phó với sự tấn công ồ ạt của thông tin mà khởi nguồn là sự phổ cập của Internet khắp mọi ngóc ngách của đời sống đô thị. Thông tin tràn vào chúng ta như dòng thác đổ vào một thành phố đang vươn mình, nhưng chưa kịp hoàn thiện cơ sở hạ tầng để chống chọi với những thử thách của thiên nhiên.
Gen Z có ưu thế là sự thông minh, nhạy bén với công nghệ, và là thế hệ “digital native” đầu tiên - những người chưa bao giờ biết một thế giới không có Youtube, không có Facebook là như thế nào. Họ có kiến thức Tây học về sức khỏe tinh thần, về đa dạng giới và một góc nhìn cởi mở, đa chiều về con người và thế giới.
Nhưng lợi thế của Gen Z cũng là bất lợi của họ.
Từ vựng của Gen Z chắc hiếm có từ “ngồi không” - từ chỉ một hành động đặc biệt: không làm gì cả vì chán không có việc gì để làm, không có ai để tán gẫu hoặc không có gì để nghĩ. Luôn có một thứ gì đó lấp vào bất kỳ kẽ hở nào của thời gian. Netflix hoàn hảo. Tik Tok hấp dẫn. Instagram lung linh. Tin rác, tin sai sự thật, móp méo, phiến diện, độc hại,… luôn chực chờ để lấp vào mọi kẽ hở trong không gian chú ý tập trung của những đầu óc thanh xuân non nớt.
Phim Adolescence (2025) có đoạn con trai của viên thanh tra cảnh sát Luke Bascombe kể với cha mình về những lời bình luận tai hại trên Instagram như một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bi kịch. Cha của Jamie, mẹ của Katie, và có lẽ là nhiều bậc phụ huynh khác không thể nào hiểu vì sao con mình có thể bị tổn thương, khi mà “nó chỉ ở trong phòng và chơi máy tính, tôi cứ nghĩ vậy là nó đang an toàn,...” (tự sự của cha Jamie ở tập 4).
Ngay lúc này đây, chúng ta, bất kể là thế hệ nào, cũng đều đang đối diện với một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong mối quan hệ với thông tin mà chúng ta tiếp nhận mỗi ngày.
Quá tải thông tin khiến chúng ta tê liệt hành động, lo âu về quyết định của mình, liên tục sợ mình bỏ lỡ những điều quan trọng, và mất kết nối với những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.
Những biến động lớn trên thế giới năm năm trở lại đây như đại dịch COVID-19, biến động chính trị - kinh tế toàn cầu, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) hay các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) đã và đang ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc sống của mỗi người.
Một trong những tác động trực tiếp của các sự kiện này là sự bùng nổ thông tin về các dịch vụ online kém chất lượng đến từ những kẻ trục lợi từ nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, và học tập phát triển bản thân của mọi người.
Tác động gián tiếp là nó khiến chúng ta mơ hồ hơn bao giờ hết về mục đích sống và ý nghĩa công việc của chính mình. Câu hỏi “Chúng ta là ai?” và “Chúng ta làm việc vì điều gì?” càng trở nên khó trả lời hơn với muôn vàn thông tin ngoài kia, hứa hẹn những viễn cảnh tốt đẹp mờ ảo.
Bước đầu tiên trong giải quyết vấn đề là nhận ra nó. Bạn gật đầu với bao nhiêu câu hỏi ở đầu bài viết? Nếu bạn có ít nhất một triệu chứng ở trên, thì có lẽ bạn đang phải ứng phó với quá tải thông tin và những hệ lụy âm ỉ mà nó gây ra. Và mình có một tin vui muốn thông báo với bạn.
Sắp tới, Đông Labs sẽ tổ chức buổi hai workshop với nhan đề “Sức Mạnh Của Ghi Chép” vào tối 26/7 (offline) và tối 2/8 (online). Workshop sẽ cung cấp cho bạn những nguyên lý cốt lõi nhất mà những người thực hành ghi chép từ bắt đầu cho đến dày dạn kinh nghiệm đều có thể áp dụng, bất kể bạn dùng công cụ gì. Các nguyên lý này được triển khai thành bốn bước thực hành đơn giản nhưng mạnh mẽ để giúp bạn:
Vượt qua cảm giác tê liệt khi đối diện với quá nhiều thông tin và dám hành động
Khởi động lại một dự án cá nhân mà bạn đã trì hoãn quá lâu vì sợ hãi hoặc chủ nghĩa cầu toàn
Xây dựng thói quen ghi chép bền vững, giúp chắt lọc thông tin thành ý tưởng, dự án có ý nghĩa và hành động thực tế
Thiết kế bức tranh cuộc đời bạn bằng việc sắp xếp các mảnh ghép ghi chép theo cách bạn chưa từng nghĩ đến trước đây
Workshop này dành cho ai?
Nếu bạn chưa bao giờ hình thành được thói quen ghi chép đều đặn, thì workshop này sẽ giúp bạn xây dựng nó.
Nếu bạn đã ghi chép một thời gian nhưng thấy thiếu hệ thống, bạn sẽ học được cách tổ chức để phục vụ cho sáng tạo.
Dù bạn ở đâu trên hành trình, bạn cũng đang ở đúng chỗ, bởi vì cộng đồng những người thực hành đa dạng từ mọi cấp độ sẽ ở đó để học và hành cùng nhau. Nếu bạn thích học cùng nhau thay vì học một mình thì workshop này dành cho bạn.
Nếu bạn muốn thay đổi mối quan hệ của bạn với thông tin một lần và mãi mãi:
…từ mơ hồ thành rõ ràng
…từ quá tải thành thấu hiểu
…từ choáng ngợp thành nuôi dưỡng
…thì rất mong được gặp bạn tại workshop.
🗓️ Notes 2 Life Design
Nếu bạn yêu thích những bài viết của Đông Labs, bạn sẽ càng hứng thú hơn với cộng đồng những người học tò mò và dũng cảm thử nghiệm cùng nhau qua từng dòng ghi chép. Một số workshop sắp tới gồm:
7/7: Showcase “More Than Numbers: How Note Taking Transformed My Life Design” của Tami, kể về hành trình ghi chép giúp tìm lại tình yêu với công việc và thiết kế cuộc sống của một expat người Việt hiện sống và làm việc tại Bangkok.
15/7: Showcase của Vic Huỳnh - một sếp ngành F&B, người tự nhận chưa bao giờ thích viết và làm việc với chữ nghĩa. Vic sẽ kể về bước ngoặc đã dẫn bạn ấy đến với ghi chép, những thách thức khi thực hành, và ghi chép đã giúp bạn học cách hiểu và kiên nhẫn với chính mình như thế nào.
26/7: Workshop “Sức Mạnh Của Ghi Chép” trong đó Tiên sẽ dẫn dắt bạn qua một hành trình bốn bước ghi chép giúp bạn thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn và tiếp cận với thông tin và đạt được những mục tiêu cá nhân quan trọng và ý nghĩa với bạn. (Bật mí: Workshop sẽ giới hạn số lượng 25 người, được tổ chức tại một không gian chất lừ tại trung tâm Sài Gòn, với cà phê ngon và bánh ngọt). Bạn có thể tìm hiểu và đăng ký tham gia workshop tại đây. Nếu bạn ở xa, bạn có thể tham gia buổi online vào ngày 2/8 tại đây.