Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trước máy tính và quyết tâm hoàn tất một công việc đã dự định.
Bạn bắt đầu buổi làm việc đầy hăng hái, với một tách cà phê, quyết tâm hoàn tất một dự án bạn bấy lâu nung nấu. Một chiếc podcast, một bài blog, một bản nhạc,…
Nhưng rồi bạn trở nên tê liệt khi ngồi trước màn hình máy tính, toan vẽ, hoặc phím đàn. Bạn chẳng thể tiếp tục vì cảm giác hoảng sợ đau đớn. Rằng bạn chẳng có gì để viết, để vẽ.
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ giải thích vì sao một phần mềm ghi chép như Obsidian có thể giúp bạn hình thành thói quen sáng tạo, giúp bạn cân bằng giữa năng suất làm việc và năng suất sáng tạo.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào định nghĩa của sáng tạo. Sáng tạo là một chu kỳ khép kín với 4 giai đoạn:
Quan sát: thu thập ý tưởng, đọc, nghiên cứu tài liệu, quan sát thế giới bên trong (cảm hứng) và bên ngoài (chất liệu từ cuộc sống), làm quen với vấn đề. Bước này hiếm khi dẫn đến kết quả sáng tạo nhưng cần thiết.
Ấp ủ: Để vấn đề sang một bên, không suy nghĩ một cách có ý thức về vấn đề
Bừng sáng: Không phải lúc nào cũng dẫn đến giải pháp, ý tưởng tuyệt vời sẽ đến nhưng vẫn cần phải được kiểm chứng và phát triển thêm
Kiểm chứng: đưa ý tưởng vào phát triển và vận hành, kiểm chứng ý tưởng trên thực tế
Theo đó, có bốn lý do vì sao Obsidian có thể thúc đẩy và tạo ra nhiều chu kỳ sáng tạo trong các dự án công việc và cá nhân của bạn. Obsidian không chỉ là một phần mềm ghi chép và quản trị kiến thức cá nhân mà nó còn là một môi trường tư duy. Bạn có thể đọc hướng dẫn sử dụng Obsidian cho người mới bắt đầu ở đây1 và các bài viết về Obsidian mà tôi đã viết ở đây2.
Thúc đẩy khả năng tự nhận thức
Viết tự do trong một môi trường tư duy rộng mở của Obsidian giúp bạn đối diện và gọi tên những nỗi sợ của mình khi sáng tác.
Nghệ sĩ và biên đạo múa tài năng người Mỹ Twyla Tharp viết trong cuốn Thói Quen Sáng Tạo rằng bà có năm nỗi sợ lớn khi đứng trước căn phòng trắng, nơi bà sáng tác các điệu múa cho các vũ công của mình. Năm nỗi sợ đó gồm:
Sợ mọi người sẽ cười nhạo mình
Sợ cái mình làm đã có người khác làm
Sợ mình chẳng có gì để nói cả
Sợ mình sẽ làm người mình yêu quý phật ý
Sợ khi được hiện thực hoá, ý tưởng của mình không bao giờ tốt như trong hình dung ban đầu của mình.
Bà nói rằng điều quan trọng là chúng ta phải gọi tên các nỗi sợ của mình ra để làm giảm sức mạnh của chúng, không để chúng ngấm ngầm khống chế mình, làm mình kiệt quệ tinh thần.
Với Obsidian, tôi không chỉ ghi chép dễ dàng mà còn có nhiều con đường để tìm lại các ghi chép cũ. Chẳng hạn, tôi có thể tìm qua lịch (thời gian), thư mục (hệ thống), tag (chủ đề), và link (sự liên quan).
Việc du hành qua các ghi chép từ nhiều góc độ giúp bạn tăng khả năng tự nhận thức bản thân. Từ đó, bạn ra quyết định tốt hơn và tự tin hơn trong quá trình sáng tạo. Bạn nhận diện và gọi tên những nỗi sợ của mình bằng cách viết chúng ra, thay vì để chúng kiểm soát bạn từ trong bóng tối.
Việc ghi chép và xem lại chúng dễ dàng trong cùng một nơi sẽ giúp bạn tăng khả năng tự nhận biết bản thân. Bí quyết để có một ý tưởng sáng tạo là bạn phải có hàng trăm ý tưởng bình thường. Nếu bạn không viết xuống, bạn sẽ không biết được là mình cần rèn luyện thêm bao nhiêu để có được một tác phẩm hoàn hảo. Bạn sẽ liên tục trong tình trạng "Ý tưởng của tôi đâu hết rồi?", "Sao tôi chẳng nghĩ ra cái gì vậy?"
Obsidian giúp tôi liên kết các ý tưởng tự do và rộng mở của mình với những ý tưởng khác một cách dễ dàng. Tôi tự tin với mỗi dòng ý nghĩ của mình, vì tôi dễ dàng phát hiện ra cách đây một tháng hay một năm, tôi đã từng nghĩ như vậy. Mặt khác, các ý nghĩ của tôi dễ dàng được kết nối, phản biện, hoặc cộng hưởng với các tài liệu nghiên cứu mà tôi đọc, từ đó tôi cũng có nhiều cơ sở để trở nên tự tin hoặc khiêm tốn hơn với lập luận của mình.
Giảm tải thông tin và giải phóng bộ nhớ làm việc
Ghi chép có phương pháp trong một hệ thống ghi chép vừa đơn giản vừa linh hoạt giúp bạn giảm tải cho bộ nhớ làm việc.
Khi viết xuống các quan sát bên trong (cảm nghĩ của bạn) và bên ngoài, bạn giải phóng nguồn lực cho bộ nhớ làm việc. Điều này giúp bạn có không gian để liên kết, phản biện và tìm hiểu, và chơi đùa với các ý tưởng của mình. Bạn vừa nghiên cứu, quan sát, và chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho sáng tạo; đồng thời, bạn cũng làm giảm áp lực cho bộ nhớ của mình. Khi bộ nhớ không chịu áp lực phải lưu trữ mọi thứ trong đầu, nó sẽ quan sát với sức tập trung sắc bén và bền bỉ hơn (sustained attention). So với kiểu tập trung hoàn hảo (focused attention), thì tập trung kéo dài (sustained attention) sẽ giúp bạn làm việc được lâu hơn, tận hưởng quá trình và ít mệt mỏi hơn, từ đó giúp bạn duy trì nhịp độ sáng tạo đều đặn trong một thời gian dài.
Giúp bạn đắm mình trong tư duy rộng mở
Obsidian cho bạn không gian để viết và kết nối các ý tưởng một cách tự do và không phán xét.
Tư duy rộng mở (divergent thinking) là một trạng thái tinh thần không thể thiếu trong sáng tạo. Các nghiên cứu về sáng tạo thường sử dụng các bài kiểm tra tư duy rộng mở để đo mức độ sáng tạo. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu sẽ yêu cầu bạn liệt kê tất cả các công dụng của một cục gạch. Dựa vào các câu trả lời của bạn, nhà nghiên cứu sẽ tính được điểm số sáng tạo của bạn theo các tiêu chí như tính độc đáo, tính hữu ích, tính phù hợp, và tính thực tế...
Theo định nghĩa, công nhân tri thức là người làm việc để giải quyết các vấn đề không theo quy trình và đòi hỏi khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy hội tụ (phân tích, từ trên xuống) - convergent thinking và tư duy phân kỳ (rộng mở, từ dưới lên) - divergent thinking. Một giảng viên đại học, một chuyên viên tâm lý, một quản lý nhà hàng, một nhân viên thiết kế, hoặc một chuyên viên giáo dục đặc biệt,... đều là những công nhân tri thức và công việc của họ đòi hỏi sự kết hợp giữa tư duy phân tích và tư duy rộng mở.
Ít nhất là 50% của toàn bộ quy trình sáng tạo được thai nghén trong trạng thái tư duy rộng mở. Nghiên cứu cho thấy đi bộ là một hoạt động thúc đẩy tư duy sáng tạo. Thực tế, nhiều ý tưởng viết blog của tôi phát sinh từ những cuộc đi bộ buổi tối trong công viên trong tâm trạng thoải mái. Vấn đề là tôi cần phải ghi lại các ý tưởng này theo cách mà tôi có thể tìm lại được khi tôi cần.
Obsidian giúp bạn ghi lại những khoảnh khắc ý tưởng phát sinh bất chợt như vậy một cách dễ dàng bằng cách tạo một ghi chép theo ngày với plugin Daily Note sẵn có. Mỗi ngày, bạn bắt đầu ngày mới bằng việc mở một ghi chép có tựa đề là ngày hôm đó. Bạn kết thúc một ngày bằng việc xem lại ghi chép trong ngày, đóng lại một chu kỳ học tập theo đúng chu kỳ một vòng xoay của Trái Đất.
Một số cách để đắm mình trong tư duy rộng mở khác với Obsidian:
- Ghi nhật kỹ xen kẽ trong Daily Note3
- Ghi nhanh một ý tưởng thoáng qua khi bạn đang đi bộ trong công viên vào Daily Note
- Ghi lại âm lại một cảm hứng bất chợt từ cuộc nói chuyện với người bạn thân bên bàn nhậu cuối tuần và lưu vào Daily Note
“Đừng quá đắm đuối vào công việc đến nỗi quên mất mình muốn truyền tải cái gì. Đó là hai cực âm và dương trong công việc của tôi: Đắm mình. Lùi lại. Đắm mình. Lùi lại.” (Twyla Tharp)
Thúc đẩy khả năng chuyển pha linh hoạt giữa hai cực của quá trình sáng tạo
Obsidian tạo ra môi trường lý tưởng giúp bạn di chuyển linh hoạt giữa thái cực của quy trình sáng tạo.
Trái với nhận thức thông thường, sáng tạo không chỉ là tư duy mở và cảm hứng bất thường. Nó còn là khả năng tạo ra các giới hạn và luật chơi để bạn có thể hoàn tất một chu kỳ sáng tạo và bắt đầu một chu kỳ mới và làm điều đó thường xuyên hơn, hầu như là một cách kỷ luật.
Các giai đoạn của sáng tạo thực chất chính quá trình dịch chuyển liên tục giữa hai trạng thái đối nghịch - tư duy phân kỳ và tư duy hội tụ. Phân kỳ là trạng thái đắm mình hoàn toàn vào các dòng thông tin, đón nhận các ý tưởng mới từ bên ngoài hoặc bên trong bạn. Bạn để cho tâm trí mình mở rộng nhất có thể để tiếp nhận những thứ kích thích giác quan và tâm trí. Trạng thái rộng mở này đi kèm với động lực thúc đẩy, khiến bạn vượt qua những đoạn gập ghềnh khó lòng tránh khỏi trong những chuỗi ngày sống và sáng tạo.
Nguồn cơn của những cơn bực bội và căng thẳng trong toàn bộ quá trình sáng tác của chúng ta thường đến từ việc không phân biệt trạng thái mà chúng ta đang cần ở bất kỳ khoảnh khắc nào trong hiện tại. Chúng ta đang đắm mình và rộng mở đón nhận ý tưởng. Nhưng đột nhiên, chúng ta lo sợ mình không làm kịp deadline. Vậy là chúng ta kháng cự sự rộng mở của chính mình.
Chúng ta muốn tự do viết xuống các ý tưởng của mình vốn đang tuôn trào như suối thác, khi ta nấu ăn, khi ta đón con. Nhưng khi ngồi xuống trước máy tính, chúng ta lại dùng tâm trí phán xét và khép kín để đánh giá các ý tưởng ấy, rồi quyết định chúng chẳng xứng đáng được viết ra. Đối mặt với một tờ giấy trắng, deadline thì lù lù trước mặt, chúng ta buộc phải viết ra một cái gì mà chúng ta chẳng mấy tự hào khi nhìn lại. Sáng tạo với ta là một điều huyễn tưởng, ta thầm nghĩ. Rồi tiếp tục guồng quay của ngày.
Vậy Obsidian giúp chúng ta chuyển pha giữa tư duy rộng mở và tư duy phân tích ra sao?
Trong Obsidian, các ghi chép ý tưởng cá nhân của bạn dễ dàng được liên kết với các tài liệu mà bạn nghiên cứu. Ví dụ, tôi từng đọc một chương sách nói về hiệu ứng đóng khung (framing effect). Thế là tôi liền tạo một ghi chép và viết các ý chính mà tôi cảm thấy hay từ sách và từ các nguồn khác mà tôi tự đọc thêm.
Vài tháng sau, tôi thấy một công ty nọ áp dụng khái niệm này vào sản phẩm và ngành kinh doanh của họ một cách rất khéo léo. Họ bán được hàng với mức giá cao mà vẫn thu hút khách hàng. Nhờ khả năng đóng gói tốt, họ còn bán được nhiều sản phẩm đa dạng dựa trên một sản phẩm cốt lõi. Tôi lại viết các quan sát này vào ghi chép về hiệu ứng đóng khung mà tôi đã tạo lúc trước.
Một thời gian trôi qua, tôi đang cần lên ý tưởng cho việc tái đóng gói sản phẩm để tiếp thị cho một nhóm khách hàng mục tiêu. Tôi liền nhớ lại ghi chép về hiệu ứng đóng khung ở trong Obsidian. Khi đọc lại ghi chép đó, tôi nảy ra một vài sáng kiến về cách đóng gói sản phẩm mà tôi cảm thấy tự tin để chia sẻ cho team của tôi và đề xuất thử nghiệm cách làm mới.
Ngoài ra, nhờ khả năng liên kết các ghi chép của Obsidian, tôi có thể tiếp tục mở rộng hiểu biết của mình về hiệu ứng đóng khung bằng cách tạo các liên kết tới các ghi chép về các khái niệm khác có liên quan như hiệu ứng mỏ neo (anchoring effect), hiệu ứng thiếu thốn (scarcity effect), và hiệu ứng tiếc của (endowment effect). Tất cả các hiệu ứng này là các dạng khác nhau của lối tư duy tắt (mental shortcut) được các nhà tâm lý học như Daniel Kahneman và Richard Thaler dày công nghiên cứu. Tôi dần tạo thêm các ghi chép cho những từ khoá này và nghiên cứu sâu hơn về tư duy tắt bất kỳ lúc nào có một cảm hứng nảy sinh.
Với cách làm này, tôi sẽ có thể chuyển đổi qua lại giữa một bên là cảm hứng khám phá của tư duy rộng mở và một bên là óc phân tích tỉ mỉ để kiểm chứng tài liệu trước khi đưa vào ứng dụng.
Lời kết
Trong tác phẩm Đường Xanh Viễn Xứ, tác giả Tô Giang kể với giọng bùi ngùi tiếc nuối rằng, nếu anh biết trước làm giàu cần bắt đầu bằng một ý tưởng tốt chứ không phải là thật nhiều tiền, thì anh đã không chọn con đường sai lầm u tối mà anh đã đi qua và phải trả những cái giá đắt. Tôi xin tiếp lời anh Giang, rằng muốn có một ý tưởng tốt, thì ta cần trân quý hàng trăm ý tưởng tồi, và lưu chúng lại một cách có phương pháp một cách kiên trì. Rồi một ngày, chúng sẽ nở hoa. Một hệ thống ghi chép tốt là bước đầu tiên giúp bạn bước đi trên con đường dài của một đời sống không ngừng sáng tạo.
https://typeshare.co/tienpham/posts/huong-dan-su-dung-obsidian-voi-nam-buoc-don-gian
https://typeshare.co/tienpham/collections/obsidianquntrkinthccnhn
https://typeshare.co/tienpham/posts/cach-don-gian-de-bat-dau-viet-nhat-ky-voi-obsidian
Bài viết hay quá chị Tiên ơi