Thuyết Tự Quyết: 5 Loại Động Lực Giúp Bạn Phát Triển Bản Thân
Sức mạnh của chúng ta nằm ở đâu?
Động lực giúp bạn hành động.
Mỗi ngày, bạn thức dậy, đánh răng, học tập, và làm việc, bạn đều cần động lực. Động lực giống như nhiên liệu giúp cho bộ máy bạn hoạt động và tiến về mục tiêu. Tuy nhiên, chúng ta không được dạy về động lực của chính mình ở trường. Thật quá uổng phí nếu chỉ có những người làm nghề giúp đỡ như nhà tham vấn tâm lý hay coach mới được tiếp cận các kiến thức về động lực đã được dày công nghiên cứu.
Vì vậy, trong bài viết tuần này và tuần kế tiếp, tôi sẽ giới thiệu sơ lược về các loại động lực và một số gợi ý để bạn tự tạo động lực cho bản thân trong quá trình xây dựng các thói quen tốt, hiện thực hoá mục tiêu, và phát triển bản thân.
Giới thiệu lý thuyết Tự Quyết
Nói đến động lực thì không thể không nhắc đến lý thuyết Tự Quyết.
Thuyết Tự Quyết (Self Determination Theory, SDT) là một lý thuyết lớn về động lực thuộc trường phái tâm lý học nhân văn do giáo sư Ryan và Deci nghiên cứu và phát triển từ những năm 70. Các lý thuyết về động lực lúc bấy giờ chưa giải thích thoả đáng về một hiện tượng mà một người làm một điều gì đó mà không vì một lợi ích nào cả mà chỉ vì niềm vui thuần tuý. Ví dụ, một đứa trẻ phấn khích và chơi đùa hàng giờ với bộ đồ chơi xếp hình. Em say mê khám phá và tận hưởng quá trình đó. Không cần ai khen thưởng hay rầy la nhắc nhở, em làm việc cật lực như một kỹ sư lành nghề.
Theo Ryan và Deci, sự thôi thúc này bắt nguồn từ một nguồn động lực bẩm sinh ở mỗi người. Đó là sự mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh và phát triển mình thành một bản thể tinh tế và phức tạp hơn trong quá trình sống.
Nói cách khác, mỗi người có sẵn trong mình hạt giống của óc hiếu kỳ và lòng ham học hỏi tự nhiên đối với cuộc đời. Đây là sinh lực trời phú nhưng vô cùng mong manh. Nếu không được nuôi dưỡng, tưới tắm, và chăm bón đúng cách, nó sẽ nhanh chóng héo tàn trước khi chúng ta kịp nhận ra.
Biểu hiện rõ nét nhất của hạt giống ấy chính là động lực nội sinh.
1. Động lực nội sinh (intrinsic motivation)
Bạn làm X vì bạn tận hưởng quá trình đó.
Phần thưởng từ việc làm X là cảm giác vui thích, tập trung hoàn toàn, và không có áp lực nào về mục tiêu hoặc kết quả kỳ vọng. Hãy nghĩ đến các sở thích của bạn như: chơi thể thao, giải câu đố, đọc tiểu thuyết, chơi game. Bạn càng làm X, bạn càng được thưởng. Bạn không quan tâm đến sự công nhận hay thành tích. Phần thưởng của bạn là sự tận hưởng trong suốt quá trình.
Vòng lặp tiếp diễn như một guồng máy tự vận hành.
“Follow the joy!”
Tuy nhiên, có nhiều việc bạn làm hằng ngày bởi vì bạn mong đợi một hệ quả sẽ xảy ra sau đó. Vậy nên, ngoài động lực nội sinh, chúng ta còn có 4 loại động lực khác (đôi khi được gọi chung là động lực ngoại sinh - extrinsic motivation), gồm có:
Động lực tích hợp
Động lực xác định
Động lực tiêm nhiễm
Động lực bên ngoài
2. Động lực tích hợp (integrated motivation)
X là một phần con người tôi. X đại diện cho giá trị Y mà tôi theo đuổi.
Ví dụ: Tôi chạy bộ bởi vì nó phản ánh những giá trị sống cốt lõi của tôi: học hỏi và chân thành (integrity).
Đó là tinh thần cầu tiến. Chỉ cần bạn tiếp tục chạy, bạn sẽ đến nơi. Một người bạn trên đường đua hồi tháng 9 mới đây của tôi in câu này lên áo của anh: "Tôi chậm, nhưng tôi chạy!". Quả là một câu nói tuyệt vời.
Chạy bộ cũng là một môn thể thao đồng đội.
Bạn chăm chỉ luyện tập để tiếp sức và lan toả năng lượng tích cực cho những người bạn chạy cùng. Cách duy nhất để làm điều đó là tiếp tục chạy. Đó là sự chân thành. Bạn làm những gì bạn nói. Bạn nói những gì bạn nghĩ.
Khi bạn có lòng tin vững chắc rằng một công việc X là quan trọng, có giá trị, và có ý nghĩa với bạn, thì dù việc đó không vui thú, bạn vẫn làm nó mỗi ngày. Hãy nghĩ tới những việc như:
Đánh răng, tập thể dục (thói quen sức khoẻ)
Học kỹ năng mới, đọc sách, ghi chép, ôn tập,…(thói quen công việc)
Nói lời biết ơn, động viên, quan tâm với người thân (thói quen tình cảm)
Khi bạn làm những điều này thường xuyên, bạn sẽ càng tiến bộ. Càng giỏi, bạn lại càng có động lực để làm nhiều hơn. Các thói quen này dần trở thành một phần con người bạn.
Có những phần trong công việc mà dù bạn thích nó đến mấy, cũng sẽ không thú vị và thậm chí là đau đớn. Hãy nghĩ đến các nghệ sĩ lớn nhất mà bạn hằng ngưỡng mộ. Họ có sợ hãi, có hoài nghi không? Theo tôi là hoàn toàn có. Nhưng họ gọi tên và đối diện với chúng, rồi để chúng qua một bên và xắn tay vào việc.
Tôi tin rằng nếu như ít nhất 50% thời gian một ngày của bạn là dành cho các hoạt động ở nhóm này thì bạn đang sống rất gần với tiềm năng trời phú của bạn rồi đó.
3. Động lực xác định (identified motivation).
X giúp ích gì cho Y (Y quan trọng với tôi)?
Tuy nhiên, có một số việc khác bạn vẫn làm nhưng không phải vì chúng thú vị hay quan trọng mà vì chúng phục vụ cho một điều gì đó khác mà bạn cho là quan trọng.
Ví dụ, bạn không thích công việc hiện tại nhưng bạn vẫn đi làm bởi vì bạn cần có thu nhập. Với bạn, thu nhập là vấn đề quan trọng.
Nếu bạn nuôi dưỡng động lực ở ba nhóm này, bạn sẽ tăng sức bền và khả năng thành công trong các mục tiêu dài hạn.
Chẳng hạn, bạn muốn tập thói quen dậy sớm. Hãy tự vấn bằng 3 câu hỏi dưới đây:
Dậy sớm có gì thú vị với tôi?
Dậy sớm có gì quan trọng với tôi?
Dậy sớm giúp ích gì cho X ( X quan trọng với tôi)?
4. Động lực tiêm nhiễm (introjected motivation)
X khiến tôi cảm thấy ra sao về bản thân?
Động lực tiêm nhiễm là khi bạn làm điều gì đó bởi vì nó khiến bạn cảm thấy tốt hơn hoặc né tránh cảm giác khó chịu. Ví dụ:
Một đứa trẻ làm bài tập ở nhà vì nó sợ bị bạn bè cho là lười biếng.
Một người đàn ông tập thể dục bởi vì anh cảm thấy có lỗi với gia đình nếu anh để cho mình bị bệnh.
Khác với động lực xác định, động lực tiêm nhiễm phục vụ cho cái tôi hoặc các nhu cầu bề mặt hơn là một nhu cầu thật sự. Ví dụ: Giảm cân để có ngoại hình đẹp và khiến cho “người khác phải ngước nhìn” là động lực tiêm nhiễm. Nhưng giảm cân để khoẻ hơn là động lực xác định.
5. Động lực bên ngoài (external motivation)
X giúp tôi đạt được kết quả gì?
Động lực bên ngoài giúp bạn đạt được các phần thưởng hữu hình như tiền bạc, địa vị, bằng cấp, lời khen, sự thăng tiến hoặc tránh các hệ quả tiêu cực như hình phạt.
Ví dụ: Một đứa trẻ đi học đàn piano để chiều lòng bố mẹ. Em không có lựa chọn, và em cũng không mặn mà gì với piano. Nên việc học kém cũng không làm em thấy phiền lòng. Học đàn không thú vị, không có ý nghĩa, và không khiến em thấy tốt hơn hay tệ hơn về bản thân.
Các loại động lực kể trên làm việc và tương tác lẫn nhau liên tục để giúp bạn phát triển. Nếu biết cách điều phối và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên quý giá này, bạn sẽ tăng khả năng đạt được các mục tiêu dài hạn và có ý nghĩa với bạn trong cuộc sống.
Lời kết
Các khách hàng coaching của tôi thường nói rằng họ vừa sợ lại vừa hào hứng trước mỗi buổi làm việc của chúng tôi. Nỗi sợ trong trường hợp này là một tín hiệu tốt. Khi bạn chịu đối diện với những cảm xúc không thoải mái, bạn mở ra những cánh cửa đi vào vùng đất hoang sơ và màu mỡ của những khả năng và cơ hội chưa từng biết đến.
Trong bài kế tiếp, tôi sẽ kể với bạn những gợi ý giúp nâng đỡ ba nhu cầu tâm lý cơ bản và tạo động lực bền vững để thay đổi.
Quần áo anh tả tơi như của kẻ ăn mày, và trên cơ thể đẹp dễ của anh có rất nhiều vết thương nghiêm trọng, nhưng từ khuôn mặt anh lại bừng lên một thứ ánh sáng vô cùng rạng rỡ của niềm vui sâu sắc.
(trích Ba Gã Cùng Thuyền (chưa kể con chó) của Jerome K. Jerome)
(Thumbnail photo by Jonas Von Werne via Unsplash)